KHÔNG CÓ KINH TẾ THÌ ĐỪNG ĐẺ CON!

Mình nghĩ rằng, thay vì nói với con: “Chừng nào mày mới có con cho tao có cháu ẵm bồng?” thì các bà má nên nói: “Khi nào mày sống tốt hãy có con!”

Mình đã nghe rất nhiều lời than vãn rằng: nhà em nhiều con nên khổ lắm, sao mày đẻ lắm con để tao khổ thế này, đông con rồi mới hiểu được khổ thế nào,… Câu hỏi đặt ra: Tại sao họ lại sinh con rồi than khổ?

Lý do đầu có lẽ là vì… báo hiếu. Ba mẹ già chưa có cháu ẵm bồng nên phải sinh con, sinh hai ba đứa cho ông bà vui. Ông bà vui thật, nhưng mình khổ, mình không có đủ kinh tế nuôi con, thêm con mình khổ. Thành ra hai người vui nhưng cả nhà khổ. Niềm vui của cha mẹ là thấy con mình hạnh phúc, giờ con không vui mà cháu mình cũng khổ. Thành ra báo hiếu thành báo hiệu khổ tới.

Đẻ đi rồi tính. Tâm lý “để mai tính” vẫn luôn tồn tại ở một bộ phận người Việt. Họ không bao giờ dự tính những chuyện có thể xảy ra, không lo xa và luôn ỷ vào bản thân. Thành ra khi đẻ cũng vậy, đẻ đã rồi cố gắng vì con. Phần cố gắng thì chỉ là ý nghĩ nhưng đứa con là hiện thật, cả nhà nhiều miệng đói cũng là sự thật. Thành ra sau khi đẻ con rồi họ vẫn loay hoay, không tính nổi, rồi còn gặp xui như một trận dịch chẳng hạn, thành ra khổ, rồi đổ thừa tại con.

Không có tiền thì đừng đẻ con. Thẳng nhưng thật. Đã đến lúc các thế hệ sau phải hiểu được rằng: đẻ được phải nuôi được. Gần đây có bộ tranh “Gia đình nhập cư” của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dũng đã khắc hoạ rất hiện thực đời sống của những gia đình trong căn nhà trọ. Ở đó là sự chật chội, sự khó khăn và sự khổ. Đừng ai bảo ai cũng xứng đáng có con, có con là nghĩa vụ thiêng liêng và chúng tôi dù nghèo cũng phải đẻ. Cứ thế, họ thoả cái suy nghĩ rằng phải có con cho bằng được mà chưa từng nghĩ rằng: sẽ nuôi đứa trẻ đó như thế nào.

Tuần trước, người nhà mình từ bệnh viện phụ sản về và kể rằng: có cô gái giường bên, phải sinh mổ nhưng gia đình nghèo, sống trọ ở Sài Gòn và chủ nhà trọ phải đi quyên góp để cô gái đi sinh con, còn người chồng thì bất lực vì không có tiền. Chắc chắn, đứa trẻ sẽ được sinh ra nhưng rồi sau đó là một chuỗi hành trình gian khổ mà cả gia đình phải trải qua. Liệu rằng đứa trẻ lớn lên có hạnh phúc, có đủ điều kiện để phát triển, có mặc cảm bản thân… Bởi lẽ đó, nếu không có kinh tế để nuôi con, thì đừng đẻ. Còn đã đẻ, thì phải có kế hoạch, ít nhất phải có một khoản tiền tiết kiệm để chăm con, rồi sau đó tiếp tục lao động mà nuôi nó. Đừng đùng đùng mà đẻ rồi để đó trời nuôi!

Các thế hệ sau này, mình nghĩ rằng việc có con hay không cũng không còn là quan trọng và “chắc chắn phải có” như những thế hệ trước. Nhưng mà, mình vẫn nghĩ, nếu phải đẻ thì phải nuôi được, đừng sướng cái nư rồi “tại có mày mà tao mới khổ!”

Nguồn ảnh: Mape Academy

Nguồn: ST

Scroll to Top